Trang chủ Tin tức Sự kiện tháng

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6

01/06/2022
Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, tại Việt Nam còn gọi là ngày Tết thiếu nhi, từ lâu đã được coi như một ngày hội lớn của trẻ nhỏ. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em.

 

        * Lịch sử ra đời
        Ngày Quốc tế thiếu nhi bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử buồn và khó quên của nhân loại. Sự kiện xảy ra vào những năm 1942-1944. Rạng sáng ngày 1/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt đi 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng tàn sát 66 người và đưa 104 trẻ em vào trại tập trung, hơn 88 em đã chết trong phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Hai năm sau, ngày 10/06/1944, chúng lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp). Chúng dồn hơn 400 người vào trong một nhà thờ, trong số đó có rất nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em rồi phóng hoả đốt cháy toàn bộ nhà thờ đó. Đó là những tội ác không thể tha thứ của bọn phát xít khiến toàn nhân loại căm phẫn tột cùng và đau xót cho những đứa trẻ vô tội.
          Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm Ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi. Từ đó đến nay, tổ chức phụ nữ thanh niên các nước đã chính thức lấy ngày này làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống lại các thế lực xấu gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên toàn thế giới. 
          * Ngày Quốc tế thiếu nhi ở Việt Nam
           Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình thương yêu, sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt cho sự nghiệp trồng người. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội. Ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Từ đó, hàng năm cứ đến ngày Tết thiếu nhi và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ. 
           Hiện nay, chính sách pháp luật của Việt Nam về trẻ em ngày càng được hoàn thiện và tiến bộ. Luật Trẻ em đã quy định 25 điều về quyền trẻ em, thuộc 4 nhóm quyền: quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển, quyền được tham gia. Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống, lớn lên lành mạnh, an toàn. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định: Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững.
Ban truyền thông trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: