Tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện công tác xã hội trường học tại các cơ sở giáo dục

31/08/2022
Trong hai ngày 30 và 31- 8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện công tác xã hội trường học với sự tham gia trực tiếp của 200 cán bộ, giáo viên và gần 10.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên của 63 tỉnh thành trên cả nước tham gia trực tuyến tại các điểm cầu.

Lớp tập huấn tại trường THCS Thăng Long

Trong hai ngày 30 và 31- 8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện công tác xã hội trường học với sự tham gia trực tiếp của 200 cán bộ, giáo viên và gần 10.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên của 63 tỉnh thành trên cả nước tham gia trực tuyến tại các điểm cầu. 

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Doãn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Công tác xã hội là một ngành khoa học hướng vào việc trợ giúp cho cá nhân, nhóm, cộng đồng trong xã hội, nâng cao năng lực để khắc phục các vấn đề nảy sinh trong đời sống.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc tập huấn, ông cho biết, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số văn bản liên quan đến Công tác xã hội, đặc biệt có Thông tư số 33 năm 2018 về hướng dẫn Công tác xã hội trong trường học.

Qua thực tiễn gần 4 năm triển khai, bên cạnh kết quả đạt được còn tồn tại những hạn chế như kết quả triển khai công tác xã hội vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu.

Ông Doãn Hồng Hà, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT

Theo TS. Phạm Văn Tư, Phó trưởng Khoa công tác xã hội, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, giáo viên giúp đỡ học sinh khó khăn, gặp những vướng mắc trong cuộc sống chỉ bằng tấm lòng thôi là chưa  đủ mà phải có phương pháp khoa học. “Là một nghề thì phải có đào tạo, bồi dưỡng nhằm can thiệp trợ giúp cá nhân, gia đình, nhóm cộng đồng giải quyết vấn đề gặp phải, phát huy tiềm năng và kết nối các nguồn lực để họ tự giải quyết vấn đề".

TS. Tư ví dụ bằng câu chuyện cụ thể. Sau đợt dịch COVID-19 ông đã trợ giúp một nữ sinh lớp 8 và mẹ của học sinh này. Câu chuyện xuất phát từ việc mẹ em phát hiện sự thật động trời con mình hẹn hò với một nữ sinh lớp 11 ở Sài Gòn, hẹn sau dịch bay ra trốn đi chơi. Phát hiện mối tình đồng tính của con, bà mẹ đã đánh con thậm tệ. Trước sự cấm đoán của phụ huynh, nữ sinh lớp 8 tự tử hụt được mẹ phát hiện và đưa đi cấp cứu.

“Đứng trước tình huống này nhà trường cần phải tìm được nguồn lực ở đâu để giúp đỡ học sinh đó và gia đình của họ? Trong tình huống này, chuyên môn công tác xã hội có nhiều điểm giúp bổ sung cho thầy cô làm nghề, nhiều học sinh sẽ được hỗ trợ tốt hơn theo cách thức vận hành của tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học".

https://vov2.vov.vn/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2022-08/eeff82ee0567c0399976.jpg

TS. Phạm Văn Tư, Phó trưởng Khoa công tác xã hội, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội chia sẻ tại buổi tập huấn

Với 4 chuyên đề tập huấn:

Chuyên đề 1: Những vấn đề chung về công tác xã hội trường học.

Chuyên đề 2: Vai trò của công tác xã hội trường học.

Chuyên đề 3: Quy trình triển khai công tác xã hội trong trường học.

Chuyên đề 4: Kỹ năng công tác xã hội trường học.

Các báo cáo viên đã tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông trong cả nước về vai trò của công tác xã hội trong hỗ trợ cho học sinh. Đồng thời cung cấp kiến thức cơ bản về quy trình, nguyên tắc, kỹ năng của công tác xã hội trường học trong hỗ trợ học sinh, đặc biệt là các nhóm trẻ em yếu thế, hướng dẫn thực hành các kỹ năng công tác xã hội, các bước triển khai công tác xã hội trong trường học.

Thu Trang
Ban truyền thông trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: