Lớp bồi dưỡng cấp Tiểu học – Công tác chuẩn bị để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018

10/08/2021
Căn cứ vào Nghị quyết 29/TW, Nghị quyết 88/QH và quyết định 404/TTG CP; căn cứ vào quan điểm: chuyển từ nền giáo dục nặng nề trang bị kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực và năng lực của người học; đối chiếu với nghị quyết số 5/1998 (TW khóa 8) và 5 điều Bác Hồ dạy; Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 Chương trình tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông mới.Để phổ biến công tác chuẩn bị nhằm thực hiện tốt chương trình GDPT 2018 (bắt đầu được triển khai ở khối lớp 1 năm học 2020 – 2021), phòng Giáo dục quận Ba Đình đã tổ chức lớp bồi dưỡng cấp tiểu học, do GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, tổng Chủ biên Chương trình GDPT 2018 giảng dạy.

 

Sáng ngày 10/8/2021, đội ngũ cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cùng các trường tiểu học trên quận Ba Đình đã cùng tham gia Lớp bồi dưỡng cấp tiểu học – Công tác chuẩn bị để thực hiện tốt chương trình GDPT 2018.

Lớp học hỗ trợ cho cán bộ quản lí, các giáo viên trực tiếp giảng dạy nắm vững được chương trình, từ đó có hướng dẫn, chỉ đạo cũng như lựa chọn được các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp để giúp các em HS đạt được các mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, hình thành được các phẩm chất, năng lực của người học, trả lời được câu hỏi “học xong học sinh làm được gì?” thay vì “học xong học sinh biết gì?”  

CTGDPT 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kì vọng. Theo cách tiếp cận này, kiến thức được dạy học không nhằm mục đích tự thân. Nói cách khác, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.

Sách giáo khoa mới có tính mở

Về mục tiêu giáo dục: CTGDPT 2018 tiếp tục được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu giáo dục phổ thông là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ.
Về phương châm giáo dục: CTGDPT 2018 kế thừa các nguyên lí giáo dục nền tảng như “Học đi đôi với hành”, “Lí luận gắn liền với thực tiễn”, “Giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội”.
Về nội dung giáo dục: Bên cạnh một số kiến thức được cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong CTGDPT 2018 chủ yếu là những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ CTGDPT 2006 nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn.

Về hệ thống môn học: Trong CTGDPT 2018 chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục mới hoặc mang tên mới là Tin học và Công nghệ, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên ở cấp THCS; Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp THCS. Việc đổi tên môn Kĩ thuật ở cấp tiểu học thành Tin học và Công nghệ là do CTGDPT 2018 bổ sung phần Tin học và tổ chức lại nội dung phần Kĩ thuật

Giáo viên dạy học chương trình mới vừa cung cấp kiến thức vừa phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực, trong đó hình thành và phát triển các phẩm chất “chăm học, chăm làm, trách nhiệm, trung thực, kỷ luật”, các năng lực “hợp tác, tự quản, tự học và giải quyết vấn đề”. Để hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học, giáo viên phải thiết kế để cho học sinh vừa tham gia học vừa tự học để từ đó các em được hình thành các kĩ năng thông qua các hoạt động thực tiễn, trong đó tổ chức các hoạt động trải nghiệm với các nội dung phù hợp để chính các em được tham gia, được tự hoàn thiện bản thân mình.

Để chuẩn bị tốt cho chương trình GDPT 2018, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018

a) Rà soát, sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên tiểu học

Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học để đề xuất kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

b) Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học

c) Tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương và lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 theo quy định.

Chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện qui trình chọn sách giáo khoa theo theo thẩm quyền được quy định; tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục địa phương theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

* Đặc biệt nhấn mạnh:

- Chuẩn bị về cơ sở vật chất:

+ Có đủ phòng học để dạy 2 buổi/ ngày.

+ Có đủ phòng học đảm bảo sĩ số đúng quy định.

+ Có các phòng chức năng tối thiểu: thư viện; phòng học âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất; phòng thí nghiệm, không gian STEM.

+ Có sân chơi, vườn trường.

+ Có thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu: kết nối internet; máy tính, máy chiếu; đồ dùng dạy học tối thiểu.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới trong việc tổ chức các hoạt động dạy học

a) Tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học;

b) Chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

c) Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định đánh giá học sinh tiểu học. Nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập,…

Với cấu trúc của chương trình tiểu học mới là dạy học 2 buổi/ngày và để thực hiện có hiệu quả, trường tiểu học cần đảm bảo tốt cả 4 yếu tố như: Cơ sở vật chất trang thiết bị - phòng học; Chương trình, tài liệu dạy học; Công tác quản lý, quản trị trường học; Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, trong đó đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng nhất cho thành công của chương trình.

Đội ngũ GV sẽ được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, cùng HS thực hiện nghiêm túc

quy định 5K trong phòng chống dịch bệnh.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục tiểu học

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Bộ GDĐT về đổi mới và phát triển giáo dục. Tuyên truyền những kết quả đạt được để xã hội hiểu và chia sẻ, đồng thuận với các chủ trương đổi mới về giáo dục tiểu học; xây dựng kế hoạch truyền thông, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài địa phương, kịp thời, chủ động cung cấp thông tin để định hướng dư luận, tạo niềm tin của xã hội.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục chủ động viết và đưa tin, bài về các hoạt động của ngành, tập trung vào các tin bài về việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021, nhất là các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến của cấp học để khích lệ các thầy cô giáo, các em học sinh phấn đấu, vươn lên, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Tăng cường truyền thông để PHHS có thể hỗ trợ con tốt nhất

trong quá trình học tập và rèn luyện.

Thông qua lớp tập huấn hôm nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã nắm được mục tiêu cần đạt của chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt;  cùng với đó là những yêu cầu cần chuẩn bị để từ đó thực hiện tốt chương trình. Trong không khí năm học mới sắp tới gần, lớp tập huấn đã phát huy được vai trò tốt nhất, giúp giáo viên có cái nhìn tổng quát, để nghiên cứu cụ thể vào mục tiêu dạy học của từng lớp, từ đó giúp các con học sinh phát huy tốt nhất khả năng của chính bản thân mình.

Người viết: Thùy Dương - Biên tập: Tố Loan

Ban Truyền thông trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: