KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (05/06/1911 - 05/06/2021)

05/06/2021
Đất nước đẹp vô cùng, nhưng Bác phải ra điCho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn BácKhi bờ bãi dần lui, làng xóm khuấtBốn phía nhìn không một bóng hàng tre" (Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên)


 Vào ngày này 110 năm về trước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, lấy tên gọi là Văn Ba, bắt đầu cuộc hành trình của mình với công việc là một người phụ bếp trên con tàu Amiral La Touche De Tréville, xuất phát từ Bến cảng Nhà Rồng. 

 Người ra đi trong hoàn cảnh đất nước đang chịu ách đô hộ của thực dân Pháp, các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... xuất dương tìm đường cứu nước nhưng vẫn không tìm được con đường nào để giải phóng dân tộc.

 Nguyễn Tất Thành không đi sang nước Nhật, không tìm về châu Á mà Người sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. 

Từ năm 1911 - 1917, người bôn ba qua các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ, đặc biệt là 3 đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Người nhận thấy ở đâu bọn thực dân cũng tàn bạo, độc ác, ở đâu những người lao động cũng bị áp bức, bóc lột dã man. 

 Từ cuối 1917 - 1923, người từ Anh về Pháp, hoạt động trong Hội những người Việt Nam yêu nước ở Paris; gia nhập Đảng xã hội Pháp; gửi đến hội nghị Vecxai bản yêu sách của nhân dân An Nam. Đặc biệt, sau khi đọc xong “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin, Người đã sung sướng thốt lên: “Luận cương của V.I Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản"...

 Tháng 06/1923, Người sang Liên Xô dự Đại hội Quốc tế nông dân và được bầu vào đoàn chủ tịch. 

 Năm 1924, Người tham dự Đại hội V của Quốc tế cộng sản, Đại hội Quốc tế thanh niên, Quốc tế cứu quốc đỏ...

 Cuối 1924, người trở về Quảng Châu (Trung Quốc).

 Tháng 06/1925, người sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra báo "Thanh niên" làm cơ quan ngôn luận, mở nhiều lớp tập huấn chính trị....

 Từ 1928 - 1929, Người sang Xiêm (Thái Lan) hoạt động với bí danh Thầu Chín.

 Tháng 02/1930, Người chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản tại Hương Cảng, Cửu Long, Trung Quốc, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. 

 Tháng 07/1935, Người tham dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản. 

 Tháng 10/1938, Người rời Liên Xô tìm cách về Việt Nam.

     Sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, kể từ ngày ra đi tìm đường cứu nước tại Bến cảng Nhà Rồng, ngày 28/01/1941 Nguyễn Ái Quốc về đến Pác Bó, Cao Bằng, trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành nhiều thắng lợi vẻ vang. 

🚩 Sự kiện Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/06/1911 có ý nghĩa vô cùng to lớn, thể hiện sự thính nhạy về thực tiễn tình hình. Cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Bác đã tạo nên những bước ngoặt lớn trong cách mạng Việt Nam, làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

     Việc lựa chọn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Lê-nin đã mở ra ở Cách Mạng tháng 10 năm 1917 đã đem lại những thành tựu vĩ đại trong thực tế cho nước ta như:  hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ với thắng lợi của Cách mạng tháng 08 - 1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 giải phóng Miền Bắc, Chiến thắng 30/04/1975 giải phóng  miền Nam, thống nhất đất nước....

     Trong cuộc sống hôm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liên với chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh, hiện đại.


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: